Chuyển đổi số là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng mạnh mẽ trong kỉ nguyên số. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều đó. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những thách thức và yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số.
Tại sao cần chuyển đổi số
Như đã đề cập ở bài viết Chuyển đổi số #1: Định nghĩa và bản chất, “Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số.”
Theo định nghĩa, chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính hệ thống của nền kinh tế và xã hội. Việc thay đổi hệ thống mang tính tổng thể và toàn diện, tạo giá trị và cơ hội cho toàn xã hội. Đây là tương lai mà các doanh nghiệp cần hướng tới để bắt kịp xu hướng công nghệ và nhu cầu thực tế của thị trường.
Chuyển đổi số là cơ hội để các doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng và năng lực của tổ chức. Các giải pháp số tích hợp vào hoạt động cốt lõi sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho tổ chức, bao gồm:
- Quản lý thông tin và tài nguyên tập trung và hiệu quả hơn.
- Tăng cường tính linh hoạt và liên kết giữa các phòng ban.
- Giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Nâng cao trải nghiệm khách hàng.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khó khăn và thách thức khi chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một cuộc đua đầy thách thức với các doanh nghiệp, bởi chỉ 11% trong số đó thành công (theo Forrester). Đây là minh chứng rõ ràng cho những khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi số, là yếu tố quyết định kết quả thành công hoặc thất bại của doanh nghiệp.
Thay đổi thói quen
Doanh nghiệp sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen không số.
Đã có một thời gian dài các doanh nghiệp làm việc trong môi trường không số. Văn hóa trong tổ chức cũng được xây dựng theo tư duy đó và ăn sâu vào nhận thức của tập thể. Các thói quen cố hữu trong doanh nghiệp như: sợ thay đổi, không phản hồi, đại khái, nước đến chân mới nhảy... đều cần được thay đổi khi chuyển sang làm việc trong môi trường số.
Mặt khác, thay đổi thói quen của 1 cá nhân đã khó, thay đổi thói quen của cả 1 tổ chức còn khó hơn gấp nhiều lần. Để thực hiện được điều này đòi hỏi quyết tâm rất lớn từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo khảo sát của công ty tư vấn nhân sự Capgemini (Pháp), 62% người được hỏi nhấn mạnh rằng văn hóa doanh nghiệp là khó khăn chính trong quá trình chuyển đổi số. Một doanh nghiệp mà không có tư duy số hóa, không có văn hóa nuôi dưỡng sự đổi mới thì rất khó để thành công trong việc số hoá.
Để thành công trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng văn hóa số hóa; tránh các thói quen cũ; tạo ra môi trường làm việc linh hoạt và hợp tác; và hình thành tác phong tư duy số để gạt bỏ thói quen cũ.
Nhận thức và nhận thức đúng
Thách thức lớn nhất với chuyển đổi số doanh nghiệp là nhận thức và nhận thức đúng.
Chuyển đổi số thực chất là một công cuộc thay đổi mang tính cách mạng. Do đó, nếu không có nhận thức sâu sắc thì không thể làm được. Đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp là những người hiểu đúng nhất để có chiến lược chuyển đổi lâu dài và kiên định. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ này đang đối diện với nhiều nhận thức sai lầm nghiêm trọng về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số vô cùng tốn kém
Theo IDC, các doanh nghiệp sẽ chi ra hơn 2 nghìn tỷ đô la cho các dự án chuyển đổi số. Điều này có thể khiến cho những doanh nghiệp nhỏ cảm thấy bị áp đặt áp lực và chưa sẵn sàng thực hiện quá trình chuyển đổi số của mình.
Thế nhưng thực tế là, theo một cuộc khảo sát gần đây, 88% Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) của các tập đoàn lớn thừa nhận rằng họ đã thất bại hoặc phải hoãn việc chuyển đổi số của mình.
Như vậy, tiền không phải là câu trả lời cho bài toán chuyển đổi số thành công.
Chuyển đổi số là sân chơi của các ông lớn công nghệ
Khi nhắc đến thành công của chuyển đổi số, chúng ta thường nghĩ ngay đến những kỳ lân phát triển công nghệ ấn tượng. Chẳng hạn, Uber và Grab, đánh bại dịch vụ taxi truyền thống bằng mô hình vận hành hiệu quả hơn. Netflix thách thức các kênh giải trí truyền thống bằng việc cung cấp nội dung đa dạng và tiện lợi. Còn Spotify thì định nghĩa lại cách nghe nhạc toàn cầu bằng cách tạo ra một hệ sinh thái âm nhạc kết nối người dùng với các nghệ sĩ …
Tư duy trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp truyền thống tại Việt Nam thường hiểu lầm rằng chuyển đổi số chỉ dành cho unicorn và startup công nghệ cao, khiến các doanh nghiệp nhỏ và truyền thống lo lắng khi suy nghĩ về việc này.
Tuy nhiên, sự thật là quy mô của doanh nghiệp không ảnh hưởng gì đến sự thành hay bại của chuyển đổi số. Doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi số - điều quyết định là người đứng đầu.
Theo báo cáo của IDG, 38% các tập đoàn lớn là có động thái trong việc chuyển đổi số, trong khi con số này ở các start-up là 55%. Đi cùng với đó là rất nhiều ví dụ về những SMEs đã chuyển đổi số thành công.
Doanh nghiệp đang hoạt động ổn định thì không cần chuyển đổi số
Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng hay một sự lựa chọn, mà đó là một bước cần thiết để tồn tại và phát triển trong kỉ nguyên số. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa nhận ra sự cần thiết của việc chuyển đổi số và không có chiến lược cụ thể cho việc này.
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Nếu các doanh nghiệp không thích nghi và chuyển đổi kịp thời, họ sẽ tự giết chết chính mình. Việc số hóa là không thể tránh khỏi, và điều quan trọng là chuyển đổi số sớm để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng cường sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
Không thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể vẫn ổn định trong hiện tại. Thế nhưng trong vài năm tới, không chắc người đứng đó vẫn có thể giữ vững được tình hình kinh doanh của mình.
Yếu tố quyết định thành bại của chuyển đổi số
Có 3 yếu tố cơ bản quyết định thành bại của chuyển đổi số.
Yếu tố con người
Theo PGS.TS.Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, con người chiếm 80% vai trò trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, còn công nghệ chỉ đóng góp 20%.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của nhân sự trong quá trình chuyển đổi số. Hai yếu tố quan trọng của nhân sự là nhận thức và năng lực. Lãnh đạo doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn để tạo động lực và lãnh đạo chuyển đổi số một cách hiệu quả. Cộng đồng nhân viên trong doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, xây dựng phong cách và tư duy số hoá và phát triển văn hoá doanh nghiệp lấy khách hàng làm trung tâm.
Nếu cả tập thể đồng lòng nâng cao năng lực và tính cạnh tranh, thì doanh nghiệp đã nắm được 80% thành công trên con đường chuyển đổi số.
Yếu tố công nghệ
Công nghệ là điều kiện cần và quyết định chất lượng của chuyển đổi số. Yếu tố công nghệ ở đây bao gồm: hạ tầng số; các nền tảng số; và các công nghệ số chuyên dụng cho từng lĩnh vực, từng ngành công nghiệp.
Hiện nay, có rất nhiều công nghệ số được sử dụng trong nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau. Các công nghệ này bao gồm: AI, phân tích dự báo, robot và tự động hóa, IoT, dữ liệu không gian địa lý, blockchain và dữ liệu chính phủ mở. Chúng đã và đang trở thành nền tảng cho những đổi mới quan trọng trong quản trị, chính sách và quy trình trên toàn cầu. Do đó, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu và lựa chọn những công nghệ phù hợp nhất cho mục tiêu của mình.
Yếu tố thể chế
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi và cải tiến hệ thống tổ chức, quy trình và hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp để tận dụng và áp dụng những công nghệ số mới. Tuy nhiên, để thành công trong việc chuyển đổi số, không chỉ cần những thay đổi trong kinh doanh mà còn cần phải tạo ra một thể chế phù hợp và hỗ trợ cho chuyển đổi số. Việc xây dựng hệ thống thể chế, bao gồm các sandbox về pháp lý, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số.
Nắm rõ được thách thức là dấu hiệu đầu tiên của sự thành công
Nói tóm lại, đánh giá thực tế thế mạnh và thách thức của công ty, dự đoán khó khăn và chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi là yếu tố quyết định thành hay bại của chuyển đổi số. Công nghệ không phải là rào cản, tâm thế sẵn sàng sử dụng sức mạnh của công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tiến bước vững chắc. Cần có cái đầu lạnh để thấu hiểu mô hình kinh doanh, bối cảnh cạnh tranh và tâm lý khách hàng trước khi áp dụng công nghệ.
Nếu bạn đang cần hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, BHSoft sẽ là sự lựa chọn đáng tin cậy. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đa ngành, chúng tôi sẽ cung cấp giải pháp phù hợp nhất với nhu cầu và quy mô kinh doanh của bạn. BHSoft tự hào là công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ số hoá và tư vấn giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các doanh nghiệp SMEs đa ngành.
Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để bắt đầu thực hiện ứng dụng số cho doanh nghiệp của bạn.